CƯƠNG QUỐC CÔNG NGUYỄN XÍ SỐNG OANH LIỆT; CHẾT ĐƯỢC VUA THƯƠNG TIẾC 26 TUỔI LẬP CÔNG LỚN.

Thứ tư - 29/11/2023 20:59
Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí bậc Huân thần hai lần khai quốc dưới triều Lê Sơ. Từ những ngày đầu theo minh chủ Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa cho đến dẹp loạn Lê Nghi Dân đưa Lê Tư Thành lên ngôi hiệu Lê Thánh Tông và cũng hai lần được vua và Hoàng Thái hậu tin tưởng giao quyền phụ nhiếp chính giúp rập Lê Nguyên Long 11 tuổi lên ngôi vua (Lê Thái Tông) và Thái tử Lê Băng Cơ (Lê Nhân Tông) mới 3 tuổi lên ngôi. Được lịch sử ghi nhận là bậc Huân hiền và công lao bậc nhất phò tá 4 triều vua từ Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Dần (6/1/1423), quân Minh do Mã Kỳ chỉ huy từ hai phía đánh vào Quan Du (Quan Hoá, Thanh Hoá) nghĩa quân của Lê Lợi phải rút ra Sách Khôi (Nho Quan, Ninh Bình). Một tuần sau quân giặc lại huy động một lực lượng lớn, từ thành Đông Quan đến bao vây nghĩa quân ở Sách Khôi. Lê Lợi nhận định: "Giặc bốn mặt bủa vây - đây là nơi mà binh pháp gọi là đất chết (tử địa), đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết". Lê Lợi động viên quân sĩ liều chết phá vây, tìm cách thoát khỏi đất chết. Dưới sự chỉ huy của Danh tướng Nguyễn Xí và các tướng Phạm Vấn, Lê Triệu, Lê Hào, Lê Lĩnh, Trương Lôi, Trịnh Khả, Lê Trí, nghĩa quân đã đánh một trận hết sức ngoan cường, đẩy lùi cuộc vây quét của giặc Minh. Nghĩa quân đã giết chết Tả tham tướng Phùng Quý và hơn nghìn tên địch, bắt hơn 100 con ngựa. Trận Sách Khôi là một trận đánh oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn. Trong những năm hoạt động trên quê hương xứ Nghệ, trận đánh lớn mà Danh tướng Nguyễn Xí tham gia là trận Khả Lưu - Bồ Ải đầu năm 1425. Trong trận đánh này, nghĩa quân đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, giết chết tướng tiên phong là Đô ty Hoàng Thành, bắt sống Đô ty Chu Kiệt và trên 1.000 tù binh. Sau trận thắng ấy, nghĩa quân bắt đầu vây hãm thành Nghệ An và cùng với nhân dân nhanh chóng giải phóng các châu huyện, biến phủ Nghệ An thành đất đứng chân của cuộc khởi nghĩa. Từ căn cứ địa Nghệ An, nghĩa quân tiến ra đánh và giải phóng Diễn Châu, Thanh Hoá, tiến vào giải phóng phủ Tân Bình, Thuận Hoá, làm chủ một vùng rộng lớn từ đèo Tam Điệp đến đèo Hải Vân. Đến cuối năm 1425, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sâu rộng. Tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu mở cuộc tấn công ra phía Bắc, đưa cuộc chiến tranh giải phóng lên quy mô toàn quốc và giành thắng lợi quyết định. Danh tướng Nguyễn Xí là người có công lớn trong các trận đánh mang tính quyết định. Trong đó kể đến 3 chiến dịch lớn mang ý nghĩa chiến dịch trọng yếu đưa đến thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh cứu nước. Đó là các chiến dịch Tốt Động - Chúc Động đầu tháng 11/1426, chiến dịch vây hãm và dụ hàng thành Đông Quan từ 22/11/1426 - 10/12/1427. Trong ba chiến dịch lớn đó, danh tướng Nguyễn Xí đều có mặt và đã góp phần tạo nên thắng lợi chung của quân và dân ta. Có thể nói đây là giai đoạn thành công và cống hiến nhiều nhất của anh hùng Nguyễn Xí, là đỉnh cao trong sự nghiệp chống quân Minh xâm lược. Kể từ ngày tham gia nghĩa quân Lam Sơn (1418) đến năm 1427 tham gia trận Xương Giang, Nguyễn Xí đã có 10 năm tuổi trẻ hào hùng với nhiều chiến tích huy hoàng. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, triều Hậu Lê được chính thức thành lập năm 1428.
 
Đền thờ Nguyễn Xí được tọa lạc tại xã Khánh Hợp - Nghi Lộc - Nghệ An
 
Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Xí được xếp vào hàng “khai quốc công thần” được phong chức “Long hổ thượng tướng suy trung bảo chính công thần”. Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), nhà vua cho khắc biển công thần, khi bàn công, ông đứng vào hàng thứ năm, được phong tước Huyện Hầu. Để thể hiện sự ưu ái đặc biệt cho những người có công lớn trong khởi nghĩa, Lê Lợi đã ban quốc tính cho Nguyễn Xí là Lê Xí.
Suốt 37 năm liên tục (1428-1465) phụng sự 4 triều Vua Lê, Nguyễn Xí là một võ tướng tài ba, một nhà chính trị lỗi lạc. Để đến nay, sau hơn 550 năm, nhắc về ông hậu thế có thể hiểu tại sao ông lại chính là nhân vật hiếm có trong lịch sử phong kiến được nhà vua tôn trọng, quan tâm chu đáo đến tận những ngày cuối đời.
Trong vương triều mới, danh tướng Nguyễn Xí là một khai quốc công thần, đã từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu. Ông đã phục vụ cho triều Hậu Lê trải qua 4 đời vua, đó là: Lê Thái Tổ (1428 - 1433) Lê Thái Tông (1433 - 1442), Lê Nhân Tông (1442 - 1459) và Lê Thánh Tông (1460 - 1497).
Năm 1464, Đức Thánh Tổ thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí ốm nặng, vua Lê Thánh Tông sai sứ mang một đạo dụ đến nhà riêng thăm hỏi và biếu 1.000 quan tiền để lo thuốc thang. Trong đạo dụ có đoạn: "Công của khanh, trẫm chưa báo đáp mà bệnh của khanh sao đã trầm trọng. Nghĩ đến nước, cơm cháo khanh phải cố ăn. Lo cho trẫm, thuốc thang khanh phải cố chữa". Ngày 30 tháng 10 năm Ất Dậu (18/11/1465), Đức Thánh Tổ thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí của Đại tộc Nguyễn Đình chúng ta mất, hưởng thọ 69 tuổi.

Lăng mộ Nguyễn Xí được an táng tại xóm Hợp Thắng xã Khánh Hợp - Nghi Lộc - Nghệ An

 
Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc cho đưa linh cữu về quê an táng, truy phong Đức Thánh Tổ Nguyễn Xí là Thái sư Cương Quốc Công và sai lập đền thờ tại quê nhà Thượng Xá, nay là (Nghi Hợp) Khánh Hợp - Nghi Lộc - Nghệ An. Đền thờ Đức Thánh Tổ thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí được xây dựng từ năm Quang Thuận thứ 8 đời Lê (1467). Qua bao thăng trầm của thời gian của lịch sử và đạn bom của đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ, đền thờ Đức Thánh Tổ thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí vẫn uy nghi trường tồn, đền thờ của Ngài là di tích lịch sử cấp quốc gia, được Nhà nước công nhận vào 1990.
Cổng tam quan Di tích Đền thờ Nguyễn Xí
 Với những giá trị tiêu biểu nêu trên, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).
Vào ngày 30 tháng 10 âm lịch hằng năm Lễ giỗ Đức tổ Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí được tổ chức tại khuôn viên đền thờ của ngài tại xóm Hợp Thắng xã Khánh Hợp - Nghi Lộc - Nghệ An, xin kính mời con cháu, dâu rể ở mọi miền tổ quốc về tham dự lễ giỗ và thăm quan điểm Du lịch tâm linh Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Xí./.


 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Cường - Công chức VH sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
khanhhop
Dịch vụ công trực tuyến
Công báo nghệ an
Thư điẹn tử
Hỏi đáp
Thông tin người phát ngôn
Thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư
Thông tin các dự án và các hạng mục đầu tư
Quản lý văn bản
Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,206
  • Tháng hiện tại4,639
  • Tổng lượt truy cập358,134
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây